Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Bất toàn và bất hòa

Bất hòa có thể coi là biểu tượng được. Hàng vạn điều, hàng vạn thứ nảy sinh từ bất hòa. Ngay cả những thứ đẹp, vĩ đại, lớn lao, cũng có thể được khai sinh từ việc giải quyết những bất hòa. Quả táo bất hòa là câu chuyện chả mới chả cũ. Bất hòa kiểu đó là bất hòa kiểu Tây. Ở Việt Nam, bất hòa dễ chui vào trong nhà, bảo nhau đóng cửa. Sau đó chuyển thành bất mãn. Ở Việt Nam, có những bồ bất mãn lớn lắm.
Mình sẽ làm một cái đề tài là Truyền thống bất mãn trong thơ trung đại Việt Nam, bỏ xừ, tên đó đã có vấn đề chưa nhỉ? Làm đề tài bây giờ không có vấn đề là hỏng đấy nhá :))
Bất hòa nảy sinh từ ý thức về sự bất toàn. Điều này dường - như - là - rõ - rệt với thơ của một số ta0 loạn - nhân, hoặc một số kì (dị) nhân. Đặc biệt ở Nguyễn Du. Thơ Nguyễn Trãi bảo là có bất hòa, thơ Trạng Trình nói là đầy bất hòa, nhưng vẫn chỉ là thứ bất hòa vạn đại dung thân. Tấm thân đẹp đẽ nguyên lành, xung quanh tan tác có hề chi. Miệng kêu than mà thân tròn đầy, thì vẫn là an lạc lắm. Nguyễn Du khác. Đấy là một trường hợp bất hòa đến kì dị. Thơ Nguyễn Du là một sự dang dở lớn. Một nguồn ý thức về bất toàn đầy hoan lạc. Trăng hoa lịm im, gió lồng lộng vần - vũ - im, tóc lặng im bay - bạc. Cảm thức về cái chưa làm được, chưa hoàn thành, chưa thỏa nguyện, chưa nói ra lời. Những giấc mơ trở đi trở lại.
Nguyễn Du là một tấm thân tan tành giữa non sông tan tác.
Nguyễn Du là một người dường như chưa bao giờ sống hết cuộc đời mình.
Luôn luôn là một khát vọng sống cho trọn, một ánh ngoái nhìn của hoài nhân, một nỗi tiếc nhớ, một tiếng thở dài.
Cái đáng trọng đáng quý nữa là ham muốn sáng tạo cuồng phóng dường như trùm lấp, đè nặng tấm thân bệnh tật.
Nguyễn Du đau buồn nhất mà hoan lạc nhất trong số các nhà thơ trung đại. Vì đã sống mà không im tiếng, sống mà thở dài, sống mà bất toàn, biết bất toàn, và không bắt tay thỏa hiệp bất cứ điều gì với thực tại yên tĩnh.
Là một tâm hồn tĩnh nhưng bất hòa dậy nổi ở bên trong dường đó, không dễ và không bằng vài dòng mà hiểu.
Đặt cục gạch :D

Cái bút

Thỉnh thoảng mình nhớ cảm giác của một cái bút chạy trên giấy, âm thanh sột soạt nghe thương nhớ không cầm lòng được, mình nhớ cả việc phải viết. Viết theo đúng ý nghĩa của nó không phải việc gõ những con chữ gọn ghẽ theo font trên màn hình máy tính - công việc đó ít nhiều mang lại sự tiện lợi mà cũng mau chóng đem lại sự chán chường. Cái gì viết ra khó nhọc đến mấy đều có thể xóa đi dễ dàng. Cái đắn đo nhọc nhằn khi tạo sinh chữ nghĩa không bao giờ lộ ra được trong tiếng loạch xoạch máy móc. Mình nhớ là đôi khi cần phải cầm lấy cái bút. Quên cảm giác về cái bút là rất sợ, trống trải, hẫng hụt, cảm giác của một kẻ quên viết, hơi vô ơn nữa.
Khi nãy mới thấy nhớ bút, vì cần phải ghi chú một số việc chồng chất ra giấy. Rõ ràng là vô ơn rồi, rõ đó.
Rất may mình chưa phải người viết. Là người viết thực thụ, thì không thể - không được - không nên quên cái bút quý yêu. Có thể nói, chưa cầm bút viết dòng nào thực sự, thì chưa phải người viết vậy.
Bạn Nhã Thuyên nói đang tập cầm bút viết lại. Thế mà khó khôn lường. Ra đường vẫn nhớ lap. Bút chỉ là hoài nhân.
Sẽ có ngày nhớ bút, hay là mốt bút, chúng ta quay lại nâng niu như đám thợ ảnh nâng niu máy phim, giữa thời buổi đê ét lờ rờ ngập ngụa.
Rõ đó.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Bắp cải điển

Mùi bắp cải nấu hay xào thảy đều làm mình lợm mũi lợm giọng đôi khi.
Thời đói rách, mùi tư bản, mùi nát bươm, mùi chua, mùi nhũng nhẽo, thảy đều tan tành thấm đượm trong nồi bắp cải lổn nhổn.
Mình thề không có cái gì dư ba hơn bắp cải.
Kể cả ở chế độ xã hội quái nào.
Ngửi xong cái mùi nỏng nát, cảm giác sắp ra đường ở, liếm lá bánh thiu đến nơi, xã hội sắp đi cầu thực đến nơi.
Mình kiên quyết bắp cải là một điển cố.
Chí ít cũng phải cỡ biểu tượng hay cổ mẫu văn hóa :))
Kính mời các bạn xơi :P

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Tuổi trẻ pất pình

Thì trong lúc các bạn đang băn khoăn, thì đồng thời các bạn cũng pất pình ghê lắm. Tuổi trẻ điên loạn không được pất pình thì thiếu dưỡng khí. Chúng mình đa số là chí ngủ, mà chí ngủ thì hay day tay mắm miệng, thấy xã hội toàn abc, chưa đến mức nhung nhúc dòi bọ như một số phần tử chí ngủ quá khích - thùng tõ kêu rông, nhưng mà cũng buồn. Vì xã hội buồn nên chúng mình cần phải làm một số việc giải khuây. Nhưng mà có hết buồn quái đâu :)) Mình cười hê hê mà nói rằng là chừng nào các bạn còn buồn thì các loại văn chương thơ phú khoa học nghiên cứu còn được nhờ. Chứ mình sợ nhất là các bạn vui :P
Nhưng cả đời pất pình thì sợ lắm. Chồng sợ, vợ sợ, con sợ. Cả chi âm, chi kỉ cũng xanh lè mắt (không dính gì đến Nguyễn Tịch đâu nhé =)))
Bầu pất pình của các bạn thốt ra trong một buổi chiều cũng làm sao vơi được. Cách các bạn chúi mũi vào những việc ngập ngụa thơm mùi văn chương, cũng không làm khuây được.
Mình không biết nếu các bạn ở một xã hội khác thì các bạn sẽ thế nào. Yên nhàn hơn tí nào không.
Pất pình kiểu quá khích của một số bạn làm mình hết sức puồn, lắm khi còn thấy buồn buồn ở cổ họng, muốn cho ra.
Việt Nam là đất nước mà thế hệ trẻ bây giờ yêu nước bằng mồm, bằng hét lên, bằng phản tỉnh. Chửi đất nước làm gì, các bạn cứ đứng đó mà trông. Tay các bạn đút túi quần, miệng các bạn cứ hét, các bạn ngồi trong nhà, vừa Facebooking vừa hét, vừa ngồi điều hòa uống bia Ken mà hét. Nhiều lúc mình ghét các pạn như ghét, ghét, ghét cái gì bây giờ?
Tuổi trẻ pất pình, chả có gì để yêu cả.

Tản

Có nhiều thứ người Việt không chối bỏ được, nhất là cái bản năng ngâm ngợi của mình. Bản năng đó xúc tiến việc hình thành của nhiều thể loại đầy tính thở dài. Tản văn mãi mãi không cũ, vì gần như là một trong những thể đẹp - hợp - ngọt - êm - tĩnh nhất, phù hợp với tâm hồn nhỏ nhẹ và cái tiếng tăm thích hòa hiếu. Ngay cả việc biếm một cái gì trong tản văn, cũng không khiến người ta phật lòng bằng một bài châm ngay ngắn rành rẽ. Nên tản văn được lòng lắm. Có điều, càng đọc bây giờ càng thấy tản chán. Bắt đầu thấy buồn vì cái thể xưa nay mình quý yêu. Đã đến lúc dường như mình không còn đủ bình tâm và nhàn tản mà đọc hay mà yêu cái thể chống gậy uống trà này. Mười bài đọc được thảy đều nhạt nhẽo, không đọng lại được gì trên đầu lưỡi. Tây hơn thì viết tản văn kiểu pha mùi du kí, ghi chép, hay cảm thán cảm hoài, viết chêm xen đầy đủ mĩ cảm phương Tây. Đọc cái này không chán ngay, nhưng cũng chả chóng thì chầy. Lạ, rõ ràng mình thấy không phải các nhà tản giả dối. Có khi người ta kêu rất thật, người ta hoài rất thật, nhưng mà mình không chịu được. Hay các nhà tản hiện nay chưa đủ tuần thuần thục?
Nhưng mà nói ra, đây này, như Băng Sơn, mình còn chán.
Đấy.
Thế nhé, Thể thao Văn hóa nhé, hãm lại đi.

Sự lây

Sự lan nhiễm từ một cái gì sang cái gì thật đáng nể. Ngay cả bệnh dịch, dù kinh tởm nó, nhưng vẫn phải thừa nhận sức mạnh huy hoàng. Sự chiến thắng của nó, nếu khách quan mà nói, vẻ vang không kém gì sự bá quyền của một tư tưởng với nhiều cái đầu, trong một thời đại - cùng một thời đại. Mình là người từ nhỏ đã dễ bị lan nhiễm, từ nhiều thứ rất tạp. Có nhiều thứ nhỏ chả đáng nói, bị ảnh hưởng một thời đoạn ngắn ngủi rồi qua, nhưng vẫn là một sự lây đáng nhớ. Có nó, tự nhiên đầu óc quang quẻ, nghĩ ngợi ngon lành. Dù rằng vẫn là một sự giẫm lên mà nghĩ. Nếu có thể được thì chịu lây mãi mãi cũng không sao, mình luôn muốn rằng mình phải chịu va động của cái gì đó. Đầu óc ì trệ, biếng, và cũ. Gần đây còn thêm bênh sợ. Sợ đọc nhiều thứ quá thì thấy mình kém cỏi, nên hãi hùng. Đọc sách cũng cần phải có hướng dẫn, như uống thuốc. Đọc blog cũng như uống thuốc. Làm luận văn thì càng giống uống thuốc. Tư tưởng của mình là một tấm vải ráp, các mảnh vụn vặt chắp với nhau bởi một ham muốn dấn vào xung quanh, chìm đắm trong sự hướng đạo. Mình quyết là mình đã muộn để từ chối lây nhiễm, để tự sáng tạo một cái gì riêng. Mình nhận thấy mình đang truyền cái bệnh này cho sinh viên, bắt chúng nó nghĩ những gì mình nghĩ, mà những gì mình nghĩ, thì là của người khác nghĩ. Thế thì cả một thế hệ lây sẽ tiếp tục, nản. Cả cái thân và cái đầu mình, cũng thật nản.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Tập

Không phải cứ đến lúc muốn làm gì là làm được ngay, muốn yêu gì thì yêu, muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói. Phải tập như tập một cái gì nặng nhọc, nhiều khi chấp nhận cả thất bại, khổ tủi. Ngay cả việc hy vọng, thất vọng, yêu đời hay chán đời cũng phải tập, tập không ngừng, đến khi dửng dưng hoặc biết rõ mình sắp rơi vào cái gì, là thò ra cảnh giới. Có cảnh giới là trùm chăn ngủ được rồi, mặc lòng, có thể hơi vật vã. Biết rõ cái gì quá, thường rất gần bi kịch..
Năm đó nàng lười như hủi, ko có ý định tập tành gì cả. Tôn sùng bản năng, nàng nghĩ rằng mọi thứ tập luyện đều là giẻ rách và kém thơm mùi tiên thiên. Nhưng bản năng hay phẩm tuệ đều chỉ ngo ngoe sống được một đời sống đoản yểu. Ra gió là chết ráo cả.
Cứ nói được một hai câu là nàng cáu bẳn như một con mụ nạ đang buồn chuyện gối chiếc chăn đơn. Ngay cả chàng, chàng cũng kém dịu dàng đến mức có lúc nàng buồn chả thèm động môi. Nhưng thôi, dịu dàng là xa xỉ phẩm, tập hay không cũng vẫn chỉ là doping xoa vuốt, không cầu, không chờ, không trông, là tốt nhất. Nhưng cũng đừng ngã ra vì doping, của đáng tội nó khí đê mê.
Tập viết là một cái gì nặng nhọc và khó khăn bậc nhất, bởi vì nó tiêu hủy nhiều thứ, nó tàn nhẫn, vì nó xóa béng mọi tạo sinh, mọi nặng nhọc rặn đẻ, mọi ý đồ, nó nghiêm túc, trang trọng, khe khắt như mẹ chồng. Mà thành quả thì nhỏ nhoi, kiến tha cực kì lâu mà có khi không bao giờ đầy tổ.
Tập đọc cũng chả phải ngoại lệ. Không biết bao nhẫn nại là đủ để đổ vào đây?
Tập yêu là tập khốn cùng. Vì tập là sẵn sàng chấp nhận vong thân.
Do đó, như mọi cái tập khác, nhưng tập yêu khốn nạn hơn, khốn nạn biết mấy.
Tập là mình, dễ nhất, là ngủ như trẻ con và để đầu rỗng không.