Đọc Truyện Kiều đã đành, đọc Trần Đình Sử viết Thi pháp Truyện Kiều càng đành hơn, như thể là, uống thuốc phải có thang, mặc dù thang có thể chỉ hợp với một vài người. Một thang tốt nữa mà dẫn thuốc xong uống chết lịm luôn vì hứng là Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc. Quay trở lại chuyện thầy Sử phát hiện chuyện Nguyễn Du có tài dựng cảnh. Tiết kiệm thời gian, tránh cho quỹ thời gian eo hẹp lúc nào cũng vội vàng của các nhân vật có đời sống ngắn ngủi để dành vào một số việc khác như tự tình, thề thốt, đi trốn, oánh nhau, giết người vân vân và vi vi, thì cụ Nguyễn Du lôi sẵn đạo cụ vào cánh gà để nhân vật lôi xềnh xệch ra dùng dần. Thậm chí, có lúc như kiểu cụ còn cho tất đạo cụ vào tay áo hoặc vào một cái bao, để sẵn lúc nào giở ra lúc ấy, rất tiện, gọn. Từ cái khăn gấm quạt quỳ lãng mạn đẹp đẽ để tức thì đổi trao giữa anh ả Kim Kiều trong buổi ấp e, đến cả cái thây vô chủ bên sông đem vào để đánh lộn sòng ai hay hơi bị ghê người, cụ Nguyễn Du có cả nhé. Tra Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh, "sẵn" và "sẵn sàng" được dùng với nghĩa này xuất hiện 24 lần lận, đặc biệt ở chỗ cái sờ nắn được sẵn có đã đành, mà cảnh trí cũng sẵn, phẩm cách tài năng cũng sẵn - nghĩa là những cái rất khó sẵn thì nhân vật của cụ sẵn cả, thế mới gọi là hết chỗ nói, hết sảy. Có những câu nổi tiếng dễ thuộc thế này ai cũng nhớ cả: Thông minh vốn sẵn tính trời, hay là Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Chẹp, sẵn thế này thì đúng là phải nghi ngờ rồi chăng, he he.
Hồi sinh viên còn nghĩ rằng thầy Sử hơi quán triệt chủ nghĩa, nghĩa là áp vào cho cụ Nguyễn Du một cái chủ ý dàn dựng nào đó nghe thật kì, rằng sáng tác mà ý đồ ý tứ như vậy thì mệt quá, mà chắc gì đã phải, viết thì cứ viết thôi, nhiều khi là thói quen dùng từ. Ba nghìn câu cơ mà. Mà áp vào thế tự nhiên làm cụ Tố Như cứ lọ mọ thế nào, mình lại khéo tưởng tượng, cứ ngồi vẽ ra.... Nghĩ đến buồn cười.
Thời ấu trĩ đó qua nhưng câu chuyện có hay không chuyện cụ Nguyễn Du dàn dựng vẫn chưa hiểu được, ít nhất là kệ các cụ, dàn hay không thì đọc Kiều ê a bật Kiều tanh tách là sướng rồi :P Tự nhiên hồi nào xem phim Up - cái phim hoạt hình yêu ơi là yêu của Disney, thấy có lần nhân vật ông cụ Fredricksen vì muốn cứu Russell, con chó Dug và con chim Kevin đang ở trong ngôi nhà bay sắp bị Muntz xông vào uy hiếp, mà lôi ra từ túi quần một thỏi chocolate dở để dụ Kevin (vốn tham chocolate như gì) lao bắn ra khỏi cửa sổ kính với tốc độ thần tốc để thoát thân. Cái thỏi chocolate đó ở đâu ra? Không nhớ cụ Fred kiếm đâu ra, hay chính là thỏi chocolate của Russell đút vào túi quần ông cụ từ lúc nào mà mình xem không để ý? Thứ đạo cụ sẵn này rất khó chấp nhận nhưng lại dễ hiểu ở phim hoạt hình. Ai xem Tom và Jerry mới thấy Jerry lắm đạo cụ đến thế nào để chống trả Tom, mà Tom cũng rứa. Tự nhiên thuốc nổ, cưa gỗ, chai lọ, đàn đóm, xoong chảo... ở đâu ra cứ ùn ùn, oánh qua oánh lại cứ như thật. Xem mà chả ai thắc mắc cả, chỉ mải cười toe he he. Rõ ràng là chuyện bố trí có lịch sử cả nhé. Ai cũng bố trí cả, bài binh bố trận ghê lắm. Cụ Nguyễn Du là đạo diễn đại tài đấy. Trong thời gian kịch tính, không gian eo hẹp mà bố trí thêm hoàn cảnh để nhét đạo cụ vào là khó nhăn răng, chi bằng cứ cho sẵn đi, sẵn nhiều thì chả ai thắc mắc nữa, có vậy thôi.
Đùa, ý mình ở chuyện này chỉ là nói cái thói quen thưởng thức của mình có vấn đề. Tỉ như báo chí lá cải xem phim hay video toàn chú ý chuyện cô này phạm luật giao thông, cô kia cởi áo bao nhiêu giây, nhân vật nam gương mẫu sao lại hút thuốc lá, hút xong lại vứt ra đường, thiếu ý thức môi trường, rồi kết thúc phim chả hiểu gì cả, vân vi vân vi. Tuyệt nhiên không thấy ai sắc mắc mèo Kitty không có mồm hay nhân vật hoạt hình chỉ có 4 ngón tay. Đạo diễn Vương Đức có lần nói khán giả soi phim chứ ứ phải xem phim.
Nếu chỉ xem mà không soi cũng dở. Nhưng soi dớ dẩn thì lại đáng chém. Thỉnh thoảng cũng hơi bị dị ứng với bác nào hay soi sách quá, và làm ra vẻ một người soi giỏi. Có thú vị quái gì đâu, làm một cái kính lúp hay làm một người đọc thì thích hơn?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét