Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Nhân trường hợp gió mùa

Khi trên đường gió mùa nguy nga, người cứ mở miệng là thèm hoa sữa, ước ao đến nỗi thèm cả tí nước hoa có mùi hoa sữa, vẩy vào trong gió lạnh xa xứ mà nhớ quê hương. Khi lòng người rối rắm bị vun cuộn lại trong mớ tơ mùa buốt xót, bao nhiêu cái đau đớn bẫng hẫng chán nản bừng dậy. Khi chân đi không chạm đất, cả tâm trí lẫn vào trong cái hân hoan buồn bã - kiểu một thứ thời hoan, hơi bệnh bệnh. 
Khi bớt ít nhiều hớn hở để thêm một tí ham muốn yên tĩnh, tập sống giản đơn, và bỏ nhiều thứ ở bên ngoài. 
Mùa thu không năm nào giống nhau. Lòng người cũng vậy. Duy chỉ có những ham muốn là đã đổi.

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Cái móng

Ở thời ní tưởng nà chuyện hão huyền, thì đòi hỏi sống xả thân nà một chuyện còn hoang đường hơn. Mà rốt cục thì xả thân là quái gì? Đã có thời trong bài văn cấp 2, cấp 3 đọc thấy một loạt những rốt ráo, quyết liệt, tận cùng, hết, chết, thoát, đi, đến... linh tinh xinh cả lên, cả bạn cả mình. Thời trẻ con bạo liệt, người lớn (gồm bố mẹ thầy cô) chỉ là cái móng, xá gì mấy thứ vạm vỡ vô hình khác. Những tưởng có thể lớn lên mãi với những bạo liệt đó. Những tưởng các vĩ nhân tỉnh lắm, hóa ra vẫn toàn trẻ con ngâm thơ Tố Hữu cả. Thế mà có lúc đã mỉa mai Hoàng Anh Tú ghê lắm, cái chân lí ngọn nến vắt mình để cháy, hai người đin đi giữa kinh thành, tình iu cao thượng... sến thảm làm sao. Vậy mà giờ thấy Hoàng Anh Tú chỉ sến bằng cái móng của mình :))
Bây giờ gặp lại các gương mặt quyết liệt nhàu, chỉ có nhìn nhau, ưu phiền và hồi cố. Thầy thì ngợi ca các gương mặt quyết liệt mới, cảm động lắm. Còn lo lắng sợ bạo liệt đến độ vong thân.
Đến độ vong thân được thì sẽ thế nào? Ai mà biết được thế nào, hiện tại của chúng ta bé bằng cái móng.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Rên

Vài giọt mưa nhọp nhẹp mà lòng xao xuyến hết cả lên. Tưởng tượng ra đường, quán, phố, mái... ướt lạnh. Nhớ đủ thứ. Nhất là những đêm một mình.
Chuyện sến trong mưa là chuyện chẳng đặng đừng. Nhất là khi vắng lặng.
Trong đầu hiện lên rất rõ những ngày mưa hoang mang, người vật vờ, tâm trí không gì rõ rệt. Chỉ trở về trong thoáng lát, mà bần thần cả người.
Đang nghĩ xem, ai viết đêm mưa thì hay :D

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em

Hết gió dãi trăng thềm, sương lá rụng trên đầu gần gũi.
Nhưng cũng chả ước được giận hờn nhau sung sướng biết bao nhiêu nữa.
Năm 12 tuổi  từng chỉ ước có cả kho sách để đọc, chí ít cũng là 1 hòm sách, đọc trong bóng tối cũng được, kể cả là toét mắt ra (như lời mẹ bảo).
Năm 18 tuổi sách be bờ bốn bên cái giường phòng trọ, từng chỉ ước sách ngập nữa ngập mãi thành cái cũi, nhốt béng mình ở trong ấy. Nhưng đã mon men mơ thêm cả mấy quyển manga. Đạo đọc đã có vẻ suy vi.
Năm 22 tuổi, tốt nghiệp đại học, về quê xin việc, gửi bưu điện 2 thùng to như thùng máy giặt. Bố xệch xạc xe cộ mới chở được về, bảo: đọc được hết chỗ này không, đọc được hết thật tao cho tiền. Cười giả lả bảo giở được hết là may rồi bố ạ.
Năm 25 tuổi, học được nghề xáo sách. Chép chôm khắp nơi để làm luận văn cao học. Đêm chong đèn ôm máy tính, sách mở được một trang đã khò khò.
Năm nay 27 tuổi. Không đọc được quá 5 trang mỗi ngày, đọc xong thì quên sạch, chỉ còn lảng vảng vài làn khói mơ mòng đâu đâu. Cái giá sách làm điệu, nhìn có lúc muốn đập đi vì hợm. Lại ước quay lại tuổi  12, một ngày đọc cả trăm trang, háo hức, háo hức, nhớ nhớ thuộc thuộc, như trẻ nít.
Trí nhớ đã suy tàn cả rồi. Ham muốn cũng suy tàn. Nhưng những lúc mọi thứ đã chán ngán, đã đau buồn đến tận cùng, hoặc chẳng còn một thiết tha gì nữa với xung quanh, lại cứ vục đầu vào sách. Chả phải cao siêu gì đâu nhé, để đọc vài trang, lấy đà cho cơn ngủ rủ rê mà nhắm mắt. Và khi cơn mơ kéo tới, thì tâm hồn cũng đã yên ả lại rồi.
27 tuổi mới nhận ra không bao giờ nên kì vọng nhiều vào tha nhân, bất kể ai là tha nhân. Hoặc tin cũng được, nhưng đừng thành thực.
Đã có lúc nghĩ, ngay cả sách vở cũng bội bạc mình.
Cái cảm giác về Xuân Diệu cô đơn, đến bây giờ mới biết không hề sến.
Mình làm gì vào ngày mai khi mình đếch nói chuyện tình?

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Khăn gấm quạt quỳ và thỏi chocolate

Đọc Truyện Kiều đã đành, đọc Trần Đình Sử viết Thi pháp Truyện Kiều càng đành hơn, như thể là, uống thuốc phải có thang, mặc dù thang có thể chỉ hợp với một vài người. Một thang tốt nữa mà dẫn thuốc xong uống chết lịm luôn vì hứng là Tìm hiểu phong cách  Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc. Quay trở lại chuyện thầy Sử phát hiện chuyện Nguyễn Du có tài dựng cảnh. Tiết kiệm thời gian, tránh cho quỹ thời gian eo hẹp lúc nào cũng vội vàng của các nhân vật có đời sống ngắn ngủi để dành vào một số việc khác như tự tình, thề thốt, đi trốn, oánh nhau, giết người vân vân và vi vi, thì cụ Nguyễn Du lôi sẵn đạo cụ vào cánh gà để nhân vật lôi xềnh xệch ra dùng dần. Thậm chí, có lúc như kiểu cụ còn cho tất đạo cụ vào tay áo hoặc vào một cái bao, để sẵn lúc nào giở ra lúc ấy, rất tiện, gọn. Từ cái khăn gấm quạt quỳ lãng mạn đẹp đẽ để tức thì đổi trao giữa anh ả Kim Kiều trong buổi ấp e, đến cả cái thây vô chủ bên sông đem vào để đánh lộn sòng ai hay hơi bị ghê người, cụ Nguyễn Du có cả nhé. Tra Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh, "sẵn" và "sẵn sàng" được dùng với nghĩa này xuất hiện 24 lần lận, đặc biệt ở chỗ cái sờ nắn được sẵn có đã đành, mà cảnh trí cũng sẵn, phẩm cách tài năng cũng sẵn - nghĩa là những cái rất khó sẵn thì nhân vật của cụ sẵn cả, thế mới gọi là hết chỗ nói, hết sảy. Có những câu nổi tiếng dễ thuộc thế này ai cũng nhớ cả: Thông minh vốn sẵn tính trời, hay là Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Chẹp, sẵn thế này thì đúng là phải nghi ngờ rồi chăng, he he.

Hồi sinh viên còn nghĩ rằng thầy Sử hơi quán triệt chủ nghĩa, nghĩa là áp vào cho cụ Nguyễn Du một cái chủ ý dàn dựng nào đó nghe thật kì, rằng sáng tác mà ý đồ ý tứ như vậy thì mệt quá, mà chắc gì đã phải, viết thì cứ viết thôi, nhiều khi là thói quen dùng từ. Ba nghìn câu cơ mà. Mà áp vào thế tự nhiên làm cụ Tố Như cứ lọ mọ thế nào, mình lại khéo tưởng tượng, cứ ngồi vẽ ra.... Nghĩ đến buồn cười.

Thời ấu trĩ đó qua nhưng câu chuyện có hay không chuyện cụ Nguyễn Du dàn dựng vẫn chưa hiểu được, ít nhất là kệ các cụ, dàn hay không thì đọc Kiều ê a bật Kiều tanh tách là sướng rồi :P Tự nhiên hồi nào xem phim Up - cái phim hoạt hình yêu ơi là yêu của Disney, thấy có lần nhân vật ông cụ Fredricksen vì muốn cứu Russell, con chó Dug và con chim Kevin đang ở trong ngôi nhà bay sắp bị Muntz xông vào uy hiếp, mà lôi ra từ túi quần một thỏi chocolate dở để dụ Kevin (vốn tham chocolate như gì) lao bắn ra khỏi cửa sổ kính với tốc độ thần tốc để thoát thân. Cái thỏi chocolate đó ở đâu ra? Không nhớ cụ Fred kiếm đâu ra, hay chính là thỏi chocolate của Russell đút vào túi quần ông cụ từ lúc nào mà mình xem không để ý? Thứ đạo cụ sẵn này rất khó chấp nhận nhưng lại dễ hiểu ở phim hoạt hình. Ai xem Tom và Jerry mới thấy Jerry lắm đạo cụ đến thế nào để chống trả Tom, mà Tom cũng rứa. Tự nhiên thuốc nổ, cưa gỗ, chai lọ, đàn đóm, xoong chảo... ở đâu ra cứ ùn ùn, oánh qua oánh lại cứ như thật. Xem mà chả ai thắc mắc cả, chỉ mải cười toe he he. Rõ ràng là chuyện bố trí có lịch sử cả nhé. Ai cũng bố trí cả, bài binh bố trận ghê lắm. Cụ Nguyễn Du là đạo diễn đại tài đấy. Trong thời gian kịch tính, không gian eo hẹp mà bố trí thêm hoàn cảnh để nhét đạo cụ vào là khó nhăn răng, chi bằng cứ cho sẵn đi, sẵn nhiều thì chả ai thắc mắc nữa, có vậy thôi.

Đùa, ý mình ở chuyện này chỉ là nói cái thói quen thưởng thức của mình có vấn đề. Tỉ như báo chí lá cải xem phim hay video toàn chú ý chuyện cô này phạm luật giao thông, cô kia cởi áo bao nhiêu giây, nhân vật nam gương mẫu sao lại hút thuốc lá, hút xong lại vứt ra đường, thiếu ý thức môi trường, rồi kết thúc phim chả hiểu gì cả, vân vi vân vi. Tuyệt nhiên không thấy ai sắc mắc mèo Kitty không có mồm hay nhân vật hoạt hình chỉ có 4 ngón tay. Đạo diễn Vương Đức có lần nói khán giả soi phim chứ ứ phải xem phim.

Nếu chỉ xem mà không soi cũng dở. Nhưng soi dớ dẩn thì lại đáng chém. Thỉnh thoảng cũng hơi bị dị ứng với bác nào hay soi sách quá, và làm ra vẻ một người soi giỏi. Có thú vị quái gì đâu, làm một cái kính lúp hay làm một người đọc thì thích hơn?

Tâm trạng khi đin

Những chuyến xe bus dài không dứt, mà rồi cũng dứt vì tắc đường mãi rồi cũng hết, vì đến nhà rồi, và vì tôi chẳng còn lí do gì ở trên xe nữa, tôi phải xuống thôi.

Trên xe tôi nghĩ được bao điều, nghĩ được cả vô số khoảng trống rỗng bay lơ lửng như bong bóng. Ví dụ điện đường nhấp nháy sao mà buồn. Bằng lăng tím ngắt trong phố tối cũng lẻ loi. Lá cây dâu da bên đường rì rào, trời sâm sẫm và lan man. Những buổi chiều tối mùa hè, những tối mùa hè dài không dứt. Mà năm nay phượng nở, bằng lăng nở lút ngút quá, cả thành phố tím đỏ và lao xao, đùa, mình đã già quái đâu? Thế mà đi xe về cứ buồn.

Mùa hè đến còn thiếu mây trắng nữa thôi. Lúc nào trời xanh ngặt ra, và mây xôm xốp bồng bông như kẹo trên trời, lúc đó là mùa hè thật đủ. Chỉ có điều nóng đến chảy mỡ. Chảy mỡ mà lòng vẫn cứ nao nao, tiên sư, trời xanh mây trắng là nghĩa lí quái gì?

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Zui

Việc đáng mừng thứ nhất: 2 cuốn cũ của Đỗ Lai Thúy đã được tái bản. Bản in nhiều lỗi chính tả, sách Tri Thức mà thỉnh thoảng cũng ẩu ghê. Lâu lâu đi lượn sách không mua được quyển gì, tự nhiên ngó thấy 2 quyển nằm trong góc, mừng húm.
Việc đáng mừng thứ hai: phát hiện ra khi say sưa, ai cũng sến như nhau, ka ka. Việc đáng mừng này được rút ra từ việc đọc 2 cuốn của việc đáng mừng trên.
Việc đáng mừng thứ ba: Nằm nghĩ lại hai việc đáng mừng trên mà tủm tỉm cười, trên giường.