Thứ Hai, 22 tháng 2, 2010

Hết Tết

Thời gian tôi có lúc này được dùng để làm vài việc lặt vặt, chủ yếu là để thỏa mãn con người mau thèm nhưng ko mau chán của tôi. Tỉ như việc đọc cái này cái nọ linh tinh khắp chốn, nghĩ ra một vài nơi để đi, nhẩm lại mấy câu hỏi hay mấy từ vụn thi thoảng lởn vởn trong đầu - về một chủ đề nhớn nhác ko có căn cứ gì sất được dấy lên trong cơn bồng bột. Như thế là, trong khi thiên hạ - tất cả các giai cấp và tầng lớp và cả những người chả thuộc một lớp hay tầng nào cả - đang lờ đờ làm việc trong tình trạng lười nhác và nhớ Tết y như thông lệ hàng năm, thì tôi có được nắm thảnh thơi to uỵch, ngọt ngào, để mà nhâm và nhi. Đến mức có lúc nhai nhiều thấy nó tẻ ngắt, và rời rã.
Hà Nội sau Tết ngơ ngác hơn một tí thì phải, chỗ nào cũng như đang ngái ngủ. Hay là đang háo? Tôi thề là cả Hà Nội thèm bún ốc, hay là bún ốc riêu bò, vân vân. Tất cả những gì có dấm bỗng đều làm tươi lại đầu óc mụ mị của một khẩu cái ngái ngủ và đặc ứ bánh chưng. Nhất là giai cấp phụ nữ cần lao. Chị em thậm chí thấy hạnh phúc đến mụ đầu chỉ sau thìa nước dùng đầu tiên của bát bún thơm mùi tía tô. Chồng con, người tình, hay là mọi thứ lằng nhằng khác chỉ còn là con tườu. Suy cho cùng thì chị em vẫn mãi là chị em, đi đâu cũng bị nhét vào cái rọ thường tình, cũng là đúng.
Trong đầu có một mớ lổn nhổn các thi hào trung đại, cần phải làm việc một cách lơ mơ với các vị này. Sau nhiều lần làm khoa học một cách ngớ ngẩn, thì điều rút ra là, với cái món này, cần phải mù mờ và võ đoán một cách quyết liệt :)) Xin thề, hứa, nhưng không đảm bảo :))
Và rốt cục sau khi đi dạo, cả thực cả ảo, lại thấy mình ngu dốt lười nhác thậm tệ. Bài ca tiểu tư sản muôn thuở mãi mãi là một điển hình với phẩm hạnh vĩ đại :))

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét